1. Việc tư vấn sau một chấn động tâm lý có thực sự ích lợi không?
Các báo cáo gây xúc động mạnh trong cộng đồng về các bi kịch thường được kết thúc bởi một phóng viên với giọng điệu ảm đạm phát biểu rằng: “Các nạn nhân đang được đề nghị tư vấn”. Vậy việc tư vấn có thực sự mang lại lợi ích?
Vào năm 2002, tạp chí y khoa Lancet đã đăng một báo cáo của các nhà nghiên cứu ở Đại học Amsterdam, những người đã rà soát các tài liệu khoa học cho các nghiên cứu về việc người ta sẽ ra sao sau khi được đề nghị tư vấn “trong một buổi”. Tại đó những nạn nhân được khuyên bảo về những tác động tâm lý họ có thể gặp phải trong những ngày sắp tới. Các nhà nghiên cứu đã không thể tìm được bất kì chứng cứ nào rằng việc cảnh báo trước như vậy là có lợi.
Vào năm 2003, bác sĩ Suzanna Rose và các đồng nghiệp tại văn phòng tư vấn tâm lý Berkshire đã xem xét lại kết quả của các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát của các ca tư vấn sau chấn động tâm lý (các thử nghiệm như vậy thường được đánh giá là cách đáng tin nhất để tìm ra cái gì thật sự tốt và cái gì không).
Họ phát hiện được ba thử nghiệm đã chứng tỏ lợi ích, sáu thử nghiệm không có lợi ích và hai thử nghiệm làm cho mọi việc còn tệ hại hơn. Điều đáng chú ý là các thử nghiệm sau cũng là những thử nghiệm đã quan sát nạn nhân trong thời gian dài nhất. Vậy liệu có phải tất cả các ca tư vấn đầu sẽ trở nên tệ hại về lâu dài?
Người ta vẫn còn nghi ngờ là liệu các ca tư vấn đó có làm cho người được tư vấn dễ bị ám thị và sau đó cứ cho rằng họ có các triệu chứng mà họ đã được báo trước. Do đó, trong khi chưa có gì chứng minh lợi ích của việc tư vấn sau chấn động tâm lý thì cũng không nên quá phụ thuộc vào việc tư vấn.
2. Thực phẩm béo có thật sự gây ra mụn trứng cá không?
Mụn trứng cá bị gây ra do các hormone (chủ yếu là testosterone) kích thích quá mức sự sản xuất chất béo của da, làm cho các lỗ chân lông bị lấp đầy. Do đó, mặc dù chất béo có rất nhiều mối liên hệ với mụn trứng cá nhưng chất béo trong thực phẩm thì lại không thực sự có liên quan. Ngược lại, người ta ngày càng nghi ngờ rằng chế độ ăn nhiều chất béo còn có thể giúp giảm mụn, bằng cách giảm lượng carbonhydrate nhập vào. Đường và các chất carbonhydrate tinh chế (như bánh mì và ngũ cốc) dẫn đến sự tăng cao của insulin vì cơ thể phải cố khống chế sự quá tải đường. Quá trình này có thể làm tăng nồng độ các hormone gây ra mụn.
Các dữ liệu ủng hộ cho mối liên kết giữa mụn và carbonhydrate đến từ một nghiên cứu gần đây của một nhóm chuyên gia tại Đại học bang Colorado.
Họ đã so sánh da của những người sống bằng một chế độ carbonhydrate thấp ở Papua New Guinea và Paraguay với những người phương Tây. Họ không phát hiện được một ca mụn trứng cá nào ở những người có chế độ carbonhydrate thấp, trong khi gần một nửa đàn ông và phụ nữ trên 25 tuổi ở phương Tây lại bị mụn.
3. Cách tốt nhất để tránh mệt mỏi sau khi đi máy bay là gì?
Một người bạn của tôi phải bay 100.000km mỗi năm và anh ấy rất tin tưởng chất melatonin, một hormone được giải phóng bởi tuyến tùng, giúp cơ thể biết được hiện tại là giờ nào trong ngày. Bằng cách uống melatonin trong vài ngày sau chuyến bay, anh ấy dường như đã khỏe mạnh hẳn lên với một tốc độ thật ấn tượng.
Theo các kết quả nghiên cứu được xuất bản năm 2003 trên tờ báo y khoa British Medical Journal của bác sĩ Andrew Herzheimer tại trung tâm Cochrane và bác sĩ Jim Waterhouse tại Đại học Liverpool John Moores, họ đã khẳng định rằng hiện giờ họ đang có các chứng cứ rằng uống 2-5mg melatonin vào giờ ngủ tối sau chuyến bay là có hiệu quả và ta nên tiếp tục lặp lại liều đó trong 2-4 ngày nữa.
Thật không may, mặc dù melatonin có thể được mua trong siêu thị tại Hoa Kỳ, người ta vẫn chưa thể mua nó tại Anh mà không được kê toa bởi bác sĩ. Điều này lại dẫn đến một câu hỏi là liệu có còn những phương pháp khác để làm giảm tác động mệt mỏi do vượt múi giờ hay không?
Herzheimer và Waterhouse đã chỉ ra rằng đồng hồ sinh học của ta còn có thể bị tác động bởi những dấu hiệu của môi trường bên ngoài, đặc biệt là cường độ ánh sáng.
Sau một chuyến bay về hướng Tây, họ khuyên rằng ta hãy cố gắng thức trong ban ngày, ngủ một giấc ngắn nếu thật sự cần thiết để đảm bảo rằng ta sẽ ngủ thật sâu sau khi trời đã tối. Sau một chuyến bay về hướng Đông, họ khuyên rằng ta nên thức nhưng hãy tránh ánh sáng mạnh buổi sáng sớm và ra ngoài trời thật nhiều vào buổi trưa.
Trong bất kì chuyến bay nào, họ đều đề nghị nên ăn những thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như táo và hãy uống nhiều nước lọc hay nước trái cây thay vì trà hay cà phê.
Thời gian của chuyến bay và số múi giờ vượt qua đương nhiên là quan trọng trong việc xác định ta cảm thấy mệt mỏi tới mức nào sau khi đến nơi. Bay về hướng Đông dường như ít mệt mỏi hơn hướng Tây. Đồng thời, thời điểm khởi hành và tới nơi cũng tác động rất lớn tới sự mệt mỏi sau khi bay.
Khi lựa chọn giờ bay, hãy luôn ghi nhớ rằng việc khởi hành từ 10 giờ tối đến 1 giờ khuya hay tới nơi vào khoảng từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa đặc biệt dễ gây mệt mỏi. Giờ tốt nhất để khởi hành là từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa còn giờ đến nơi là từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối.
4. Tại sao dịch dạ dày không tiêu hóa luôn cả dạ dày?
Nếu cho nó một cơ hội, nó sẽ thật sự tiêu hóa được dạ dày. Dạ dày sử dụng một dạng hydrochloric axit khá mạnh để giết những vi khuẩn được ăn vào và chỉ có một lớp chất nhầy mỏng ngăn cản axit tấn công vào chính dạ dày. Nếu lớp màng này không toàn vẹn - hầu hết là do trực khuẩn kháng axit Helicobacter pylori - dạ dày sẽ bị viêm, kế đến là một vết loét trong đường tiêu hóa và thậm chí là một biến chứng chết người như thủng dạ dày.
5. Cái gì làm cho các vết bầm có màu đặc biệt như thế?
Sau khi mô mềm bị va chạm mạnh, vị trí tổn thương sẽ bắt đầu đỏ lên, rồi trở nên xanh đen và tím. Sau một tuần, những vết màu xanh lá đầu tiên bắt đầu xuất hiện, tiếp đến là những vết màu vàng và màu nâu. Có thể phải mất gần nửa tháng để toàn bộ vết bầm biến mất.
Những biểu hiện này là kết quả của một loạt những phản ứng hóa học phức tạp. Màu đỏ ban đầu là kết quả của máu tươi giàu oxygen bị rỉ ra từ những mao mạch bị nghiền vỡ. Sau khoảng 48 giờ, phần máu bị ứ đọng này không thể giữ được oxygen nữa và khiến nó trở nên sẫm màu hơn, vùng bị thương trở thành tím, xanh dương thậm chí là đen nếu lượng máu ứ đọng đủ lớn. Trong vài ngày tiếp theo, khi cơ thể bắt đầu phá vỡ các tế bào máu ứ đọng, màu này lại một lần nữa chuyển đổi, trở thành màu xanh lá hoặc vàng. Gần một tuần sau đó, việc phá vỡ gần như đã hoàn thành và vết bầm bắt đầu mờ đi.